Menu

Vì sao kỹ thuật hàn 6G dù khó vẫn hấp dẫn người học nghề?

Ở Việt Nam, nếu nói hàn 6G là công nghệ mới là không chính xác vì năm 1998, trong quá trình xây dựng nhà máy Nhiệt điện Phả Lại và nhà máy điện đạm Phú Mỹ đã có sử dụng công nghệ hàn TIG và hàn điện.
Tuy vậy, hiện nay công nghệ hàn 6G vẫn là ngành hàn công nghệ cao. Và vì là hàn công nghệ cao nên chưa bao giờ cung cấp đủ lao động lành nghề cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu lao động.
Theo tiêu chuẩn của Hiệp hội Hàn Hoa Kỳ (American Welding Society – AWS), hàn 6G là tư thế hàn trục ống nằm nghiêng 45 độ so với mặt phẳng nằm ngang và ống cố định (không quay) trong khi hàn. Vị trí hàn 6G là tư thế hàn khó, trước khi “chinh phục” 6G đòi hỏi người học phải thành thạo các kỹ năng, kỹ thuật vị trí hàn thép tấm từ 1G – 4G và hàn ống từ vị trí 1G, 2G, 5G. Đặc biệt là kỹ năng hàn ống ở vị trí hàn 6G với  khả năng hàn hai tay là việc không phải thợ hàn nào cũng làm được.
Kỹ thuật hàn 6G
Kỹ thuật hàn 6G
Vì sao công nghệ hàn 6G lại được xem là khó?
Khi hàn trục ống nằm nghiêng 45 độ, (do trọng lực) và hướng nghiêng của vật liệu người thợ hàn phải kiểm soát được dòng chảy của kim loại theo hướng thẳng đứng. Bạn có thể tìm thấy các trục ống nằm nghiêng và không quay trong khi hàn ở các công trình nhiệt điện, dầu khí, chân đế giàn khoan, ống công nghệ… Đặc điểm của các công trình trên là thường xuyên chịu áp lực cao nên không thể dùng các phương pháp hàn phổ thông.
Thực tế đôi khi không chỉ có vật liệu nằm nghiêng mà còn có cả mặt bích (vách chắn ngay tại điểm hàn), độ khó của thao tác hàn cao hơn và hàn 6G được nâng lên thành 6GR. Chính vì thế, một người thợ hàn có trình độ hàn 6G có thể được xem là “ông vua của kỹ thuật hàn”.
Học phí cao nhưng người học vẫn đổ xô đi học
Dù học phí rất cao bởi vì tất cả các vật tư tiêu hao sắt thép, que hàn đều phải nhập khẩu tuy nhiên các trung tâm đào tạo hàn 6G vẫn rất đông học viên theo học.
Các trung tâm đào tạo nghề hàn cho biết không chỉ do nguyên liệu (ống thép) để thực hành có giá thành không hề rẻ, mà còn phụ thuộc trình độ tay nghề giáo viên, chuyên gia hàn quốc tế và trang thiết bị phục vụ việc học, thực hành nên học phí cho kỹ thuật hàn 6G thường rất cao. Đây là lý do chính khiến không phải trung tâm hay trường dạy nghề nào cũng có thể đào tạo những thợ hàn có mối hàn theo tiêu chuẩn quốc tế. Chính vì thế, theo nhận định của nhiều chuyên gia Hàn, xuất khẩu lao động, hiện thợ hàn có khả năng hàn theo công nghệ 6G đang rất khan hiếm.
Cũng theo các trung tâm dạy nghề, với chi phí  học hàn cao trong vòng 3-5 tháng học nhưng khi ra trường học viên có thể đi làm lương từ 15 triệu đến 25 triệu, làm việc tại trong nước hoặc đi xuất khẩu lao động.
Chính kỹ thuật, tay nghề đi kèm với mức lương tương xứng đã khiến người học nghề không ngại đầu tư lớn cho tương lai. Theo tìm hiểu, lương tối thiểu của thợ hàn 6G hiện nay là 500.000 đồng /ngày (8 giờ) tại một số công trình trong nước như dự án khí điện đạm Bắc Giang, Nhà máy nhiệt điện Mông Dương, Nhiệt Điện Ô Môn 2, Nhiệt Điện Thái Bình, Nhiệt Điện Trà Vinh, Nhiệt Điện Vũng Án, Nhà máy lọc dầu Nghi sơn… và số thợ hàn 6G có mức lương 15 triệu đồng/tháng không phải là hiếm. Nếu đi xuất khẩu lao động (đến ẢRập, Đubai, Malaisia, Đài Loan, Quatar, Nhật Bản…) những học viên có chứng chỉ hàn 6G cũng có quyền đòi hỏi mức lương phải không dưới 800 USD/ tháng.

(Nguồn: Hồng Ký)

Share This:

No Comment to " Vì sao kỹ thuật hàn 6G dù khó vẫn hấp dẫn người học nghề? "

0908.991.039