Menu

Cột đèn tín hiệu cho người đi bộ

Khi người đi bộ muốn qua đường sẽ tự động bấm nút chọn tín hiệu màu xanh, khi không được qua đường, đèn tín hiệu sẽ có màu đỏ. Hệ thống đèn tín hiệu giao thông này giúp người đi bộ chủ động và an toàn hơn khi muốn qua đường. 
Chương trình Hỏi xoáy đáp xoay số 78 phát sóng trên VTV3 ngày 31/3 có đề cập đến chuyện sang đường của người đi bộ như một rủi ro 50/50 khi tính mạng, sức khỏe dựa vào sự may mắn. Tuy là một chương trình hài hước nhưng nó phản ánh sự thật đang diễn ra.

Hình ảnh cột đèn tín hiệu cho người đi bộ
Hình ảnh cột đèn tín hiệu cho người đi bộ

Phần thì tại người dân có thói quen qua đường “mọi lúc, mọi nơi” mà ít khi tuân theo các quy định như: phải đi đúng phần đường ưu tiên cho người đi bộ, phải “leo” lên cầu vượt hay “chui” qua các đường hầm để qua đường… nhưng đôi khi ta cũng nên xem lại sự hợp lý của việc bố trí những “lối đi” này.

Có lẽ, việc qua đường của người đi bộ ở các vùng quê không có gì đáng nói nhưng khi sống tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM… nơi có số lượng lớn phương tiện tham gia giao thông trên hầu hết trên các con đường thì việc qua đường không hề đơn giản và đôi khi người đi bộ trở thành nạn nhân của những vụ tai nạn giao thông.

Để đảm bảo an toàn cũng như dành những sự ưu tiên cho người đi bộ, trên hầu hết các tuyến đường, chúng ta đã vẽ sơn, kẻ vạch dành phần cho người đi bộ cũng như xây dựng một số cầu vượt (ví dụ: Cầu vượt gần ĐH Giao thông, ĐH Thủy lợi…) hay đường hầm ngầm (ở đường Phạm Hùng…).

Trên thực tế, người đi bộ vẫn không thích leo lên các cầu vượt này, cũng như không ưa phải “chui” qua các đường hầm dành cho người đi bộ. Đôi khi chúng ta cũng thử hỏi, liệu rằng những cây cầu vượt hay đường hầm dành cho người đi bộ đã hoàn toàn hợp lý hay chưa?

Về mặt mỹ quan, những chiếc cầu vượt dành cho người đi bộ không làm đẹp cho các con đường, mà dường như điều đó chỉ tạo nên những sự “quái lạ” so với các con đường khác.

Ngoài ra, người đi bộ rất ngại phải leo lên cầu rồi đi xuống bởi vì vừa mệt, vừa mất thời gian. Hơn nữa, với người tàn tật ngồi xe đẩy thì sao? Họ qua đường bằng cách nào?

Hầm vượt cho người đi bộ tuy không làm mất mỹ quan nhưng nó cũng không giải quyết được vấn đề là sự vắng vẻ trong những hầm vượt đã làm cho người đi bộ sợ hãi (ví dụ: cướp giật, mùi hôi khó chịu...) mà không dám qua.

Qua một lần, nhưng “khó” đủ can đảm để qua lần thứ hai bởi chính sự sợ hãi đó. Ngoài ra, vẫn là câu hỏi người tàn tật thì họ xuống hầm ngầm để qua đường như thế nào?

Tôi đã từng sống ở Úc và New Zealand nên tôi cũng biết phần nào về “lối nào” cho người đi bộ. Có lẽ bởi Úc và New Zealand là láng giềng nên sự học hỏi lẫn nhau đã tạo nên sự tương đồng trong các “lối đi” cho người đi bộ.

Câu trả lời cho “lối đi” cho người đi bộ ở hai quốc gia này chỉ nằm trong một câu trả lời, đó là: “Cột đèn tín hiệu”, ngay cả tại các ngã tư đèn tín hiệu cũng dành riêng các cột đèn tín hiệu cho người đi bộ.

Cây cầu vượt mà tôi thấy đó là ở thủ đô Wellington, New Zealand , cây cầu vượt này là sự kết nối 2 tòa nhà cao tầng của trường Đại học Victoria, người ta chỉ qua lại trong 2 tòa nhà ấy.

Ở dưới cây cầu vượt vẫn là “cột đèn tín hiệu” cho người đi bộ. Khi người đi bộ muốn qua đường, họ phải bấm vào nút ở cây cột đèn này, khi đèn bật sang màu xanh, có hình người đi bộ đi thì đó là lúc người ta qua đường, còn khi đèn chuyển sang màu đỏ có hình người đi bộ đứng hoặc đèn tắt thì người đi bộ không được qua đường. Và họ cũng tính toán về khoảng thời gian đèn xanh, đèn đỏ là bao nhiêu là phù hợp…

Có vẻ như chính vì sự hợp lý này đã làm cho người đi bộ chấp hành hơn thay vì những cây cầu vượt hay các hầm ngầm. Đó là chưa kể đến kinh phí để xây dựng những cây cầu hay hầm vượt cao hơn gấp nhiều lần so với “cột đèn tín hiệu”…

Nhà nước pháp quyền yêu cầu cá nhân, tổ chức tuân thủ pháp luật một cách nghiêm chỉnh nhưng đôi khi chính vì sự bất hợp lý của các quy định mà khiến cho người dân vi phạm.

Và những cây cầu vượt, hầm ngầm được xem như là các “quy định” đó. Đường sá là tài sản của quốc gia và mọi người có quyền bình đẳng sử dụng, không thể vì lợi ích của người này (người đi xe máy, ôtô…) mà tước đi quyền của người khác (người đi bộ, người tàn tật…). Người đi bộ sẵn sàng bấm đèn chờ đợi thì tại sao người đi xe máy, ôtô không thể chờ họ qua đường?

Hơn nữa, những người đi bộ là nhân tố đóng góp rất lớn trong việc giải quyết ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường thì những cây cầu vượt, đường hầm ngầm bất cập như thế tưởng chừng như nhỏ bé nhưng ảnh hưởng rất lớn đến việc khuyến khích người dân đi bộ. Sự chia sẻ lợi ích để đảm bảo sự công bằng, hợp lý được xem như là sự tối ưu để xây dựng một xã hội văn minh.

Hi vọng rằng với kiến nghị này có thể phần nào giúp xem xét lại những hạn chế với những cây cầu vượt và hầm ngầm… để giúp người đi bộ qua đường một cách an toàn.

Có khi giải quyết những vấn đề nho nhỏ như: lối đi cho người đi bộ, bố trí đèn đỏ hợp lý… lại tìm ra lời giải cho bài toán lớn về ùn tắc giao thông.

Nguồn Vnexpress

Share This:

No Comment to " Cột đèn tín hiệu cho người đi bộ "

0908.991.039